Lịch sử Samari

Về lịch sử phát hiện ra samari, trong các tài liệu tồn tại các thuyết như sau:

  1. Samari lần đầu tiên được nhà hóa học người Thụy SĩJean Charles Galissard de Marignac phát hiện bằng quang phổ học năm 1853 bằng các vạch hấp thụ sắc nét của nó trong didymi và được nhà hóa học người PhápPaul Émile Lecoq de Boisbaudran cô lập tại Paris năm 1879 từ khoáng vật samarskit ((Y,Ce,U,Fe)3(Nb,Ta,Ti)5O16). Trên thực tế nó là hỗn hợp của hai ôxít.
  2. Năm 1878 nhà hóa học Thụy Sĩ là Marc Delafontaine phát hiện ra samari bằng quang phổ của didymi, ông gọi nó là Decipum. Năm 1879, Paul Emile Lecoq de Boisbaudran đã phát hiện độc lập với Marc Delafontaine và gọi nó là samarium. Năm 1881, Delafontaine chỉ ra rằng decipum của ông trên thực tế chứa samarium của Boisbaudran cùng một vài nguyên tố khác.
  3. Phát hiện bằng quang phổ tại điểm 1 trên đây của Marignac năm 1853 cho tới năm 1878 được thực hiện bởi Paul Emile Lecoq de Boisbaudran.

Mặc dù samarskit lần đầu tiên được tìm thấy trong khu vực dãy núi Ural của Nga vào năm 1847 nhưng tới cuối thập niên 1870 thì một mỏ mới chứa khoáng vật này đã được phát hiện tại Bắc Carolina và didymi chứa samari có nguồn gốc từ nguồn này. Khoáng vật samarskit được đặt tên vào năm 1847 theo họ của đại tá kiêm kỹ sư mỏ Vasili Samarsky-Bykhovets, tham mưu trưởng của quân đoàn kỹ sư mỏ Nga từ 1845 tới 1861 (theo đề nghị của nhà hóa học người ĐứcHeinrich Rose do Vasili Samarsky-Bykhovets là người đã gửi mẫu khoáng vật này cho Heinrich Rose để nghiên cứu). Tên gọi của nguyên tố có nguồn gốc từ tên gọi của khoáng vật và vì thế nó liên quan tới họ Samarsky-Bykhovets. Theo ý nghĩa này và nếu điểm 1 trên đây là đúng thì samari là nguyên tố hóa học đầu tiên được đặt tên theo một người còn sống khi đó.

Năm 1901, nhà hóa học người Pháp là Eugène Anatole Demarçay đã tìm ra phương thức tách riêng hai ôxít ra và năm 1903 nhà hóa học Đức là Wilhelm Muthmann đã tách được samari kim loại bằng điện phân.

Trước khi phát minh ra phương pháp tách bằng công nghệ trao đổi ion trong thập niên 1950 thì samari đã không có ứng dụng thương mại nào ở dạng tinh chất. Tuy nhiên, phụ phẩm của quá trình tinh chế bằng kết tinh phân đoạn cho neodymi là hỗn hợp của samari và gadolini và được gọi là "Lindsay Mix" (hỗn hợp Lindsay) theo tên công ty sản xuất ra nó. Vật liệu này được cho là đã từng được sử dụng trong các thanh kiểm soát hạt nhân trong một số lò phản ứng hạt nhân thời kỳ đầu. Ngày nay, còn có một sản phẩm tương tự có tên gọi "Samari-Europi-Gadolini" cô đặc (SEG cô đặc). Nó được điều chế bằng chiết dung môi từ các kim loại nhóm Lantan hỗn hợp tách ra từ bastnasit (hay monazit). Do các kim loại nhóm Lantan nặng hơn có ái lực lớn hơn đối với dung môi được sử dụng nên chúng dễ dàng tách ra từ hỗn hợp bằng cách chỉ sử dụng một lượng nhỏ dung môi. Không phải mọi nhà sản xuất đất hiếm đều chế biến bastnasit ở quy mô đủ lớn để có thể tiếp tục chia tách các thành phần của SEG, thông thường chỉ chiếm khoảng 1-2% khối lượng quặng ban đầu. Các nhà sản xuất như vậy vì thế sẽ tạo ra SEG với mục đích tiếp thị nó tới các nhà xử lý chuyên biệt. Theo cách này, hàm lượng europi có giá trị của quặng sẽ được thu hồi để sử dụng trong sản xuất chất lân quang. Việc tinh chế samari diễn ra sau khi loại bỏ europi. Hiện tại, do nguồn cung quá dư thừa nên ôxít samari ở quy mô thương mại là ít đắt tiền hơn so với mức giá được dự tính khi xét tới độ phổ biến tương đối ít của nó trong các loại quặng.